Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012


                                   Tình đời

                                                                   Truyện ngắn của Nhan Sinh

Ông Thống xuống xe, rời khỏi bến Kim Liên lúc trời vừa sẩm tối. Phố phường đã sáng trưng ánh điện.

Thoát khỏi đám xích lô, xe ôm bủa đến nèo kéo, ông thở phào nhẹ nhõm và bước vội. Khoác chiếc túi du lịch sờn căng phồng- toàn quần áo cũ và quà cáp bà con gửi, ông giơ tay xin đuờng, tay kia ông dắt cu Tý vượt qua ngã tư nườm nượp xe cộ.

Đến hàng nước ngay vỉa hè, thấy bà lão ngồi bán có khuôn mặt phúc hậu đon đả mời khách- ông Thống liền nghỉ chân. Ông mua cho cu Tý chiếc bánh mỳ lót dạ. Còn ông một lúc làm vài chén trà nóng và thong thả rít thuốc lào.

Bụng đói, ông Thống vẫn chưa muốn ăn chút nào. Ngồi tàu xe cả ngày đường từ Vinh ra, giờ mới thấm mệt. Nhưng nghĩ đến cuộc gặp gỡ sắp tới với ông Vụ trưởng- ông Thống phấn chấn hẳn lên “Chắc bác ấy thật bất ngờ và mừng lắm”, ông cũng nghĩ nên dành cái bụng để ăn cơm với gia đình “cho phải phép”.

Cu Tý nhai bánh nhoen nhoẻn, mắt như dán vào đoàn tàu hoả đang chạy xình xịch vào ga. Lần đầu tiên Tý được theo ông về quê xứ Nghệ, được qua thủ đô Hà Nội cậu ta khoái lắm. Với nó cái gì cũng lạ lẫm khác hẳn vùng rừng Thuận Châu. Nó hỏi ông đủ điều, nhiều câu hỏi ông cũng phải lắc đầu xin chịu. Thật tội nghiệp cho nó- bố mẹ làm ở Lâm trường đã bỏ nhau, nó về ở với ông bà ngoại dăm năm nay. Học hành chẳng ra sao, mười hai tuổi đầu mới học lớp 3, còn ngờ nghệch lắm. Ông Thống vẫn gọi nó là thằng cu và dồn hết tình cảm vào đứa cháu duy nhất. Khổ nỗi cái vốn chữ nghĩa đọc thông viết thạo của ông chẳng giúp được nó học hành tử tế. Nhưng được cái cu Tý ngoan ngoãn, chịu khó giúp ông bà chăn bò, lấy củi. Từ ngày cu Tý về ở với ông bà, mái tranh nghèo trở nên ấm áp hơn.

Ông Thống lên Tây Bắc từ những năm sáu mươi, làm công nhân giao thông và đã nghỉ hưu hơn mười năm nay. Bà nguời cùng làng theo ông lên làm cấp dưỡng ở Hạt và cũng đã về mất sức. Số ông bà quả vất vả, cả hai đều mồ côi sớm, có mụn con gái độc nhất thì đường nhân duyên trắc trở. Mảnh đất miền Tây đã trở thành quê hương thứ hai của ông. Làng cũ chỉ còn vài ba người họ hàng xa, nên hàng chục năm nay ông mới thu xếp về thăm quê. Nhân cu Tý nghỉ hè, ông bán đi lứa lợn lấy tiền hai ông cháu đi đường. Ở quê ra, trước khi trở lại Tây Băc- Ông định bụng ở Hà Nội một vài ngày thăm người quen. Rồi thì cho cu Tý đi thăm lăng Bác, đi chơi cho biết Bờ Hồ... Khi về nó sẽ khoe khắp xóm mà xem. Ở cái nơi đèo heo hút gió, ấy là sự kiện trọng đại đối với bọn trẻ.

Ông Thống liền sực nhớ đến mảnh giấy nhỏ, gọi là tấm “Các phê dít” gì đó- ông lần túi lấy ra tờ danh thiếp in tên và địa chỉ của ông Vụ trưởng Nguyễn Thuyên, ngắm nghía lại một hồi, ông nhấp chén trà rồi hỏi bà hàng nước:

-         Bà làm ơn cho hỏi thăm phố hàng Bát có gần đây không ạ?
-         Cũng không xa lắm đâu. Bác đi xích lô độ 10 phút là tới.
Bà lão quệt miếng trầu và tiếp lời:
-         Hẳn ông cháu đây mới ở quê ra thăm người nhà ?
-         Thưa bà, vâng! À mà... Người quen thôi bà ạ!

Ông Thống buột miệng nói vậy. Nhân quán thưa khách, ông kể cho bà lão nghe chuyện ông quen biết bác Vụ trưởng rất tình cờ.

Dịp ấy vào mùa đông, cách đây hơn một năm rồi- xóm núi của ông đang chìm trong màn sương đêm dầy đặc. Mới 9 giờ tối mọi nhà đã đóng cửa ngủ sớm. Riêng nhà ông còn đốt lửa sưởi. Nghe tiếng ô tô lịm dần trước cổng- ông sai cu Tý xách đèn ra coi. Lát sau cu Tý quay vào nói: “Có hai bác ở tận Trung ương đi công tác ở Lai Châu về, qua đèo Pha Đin thì hỏng xe ông ạ”. Thấy vậy ông Thống ra mời khách vào nhà uống nước- ông thủ trưởng to béo, nom bệ vệ bảo anh tài xế cùng vào. Hỏi chuyện thì được biết xe bị mất phanh, có sửa xong cũng tới khuya! Mà đường tới thị xã Sơn La còn vài chục cây số nữa, đường núi đi đêm rất nguy hiểm. Ông Thống aí ngại cho họ và thân tình mời thầy trò nghỉ lại nhà. Ông vụ trưởng thoáng lưỡng lự- đưa mắt nhìn anh lái xe như dò hỏi. Lái xe kêu mỏi mệt, ông quyết định nghỉ lại gia đình. Biết họ chưa kịp ăn tối, ông Thống lập tức bảo bà vợ và cu Tý làm cơm. Nhà sẵn rau dưa, gà trong chuồng- một loáng bày xong mâm cơm. Bụng còn no, ông vẫn ngồi vào mâm tiếp khách, nhâm nhi chén rượi. Đã lâu mới có khách xa, lại là cán bộ Trung ương- ông được dịp dốc bầu tâm sự, hỏi han đủ chuyện. Ông Vụ trưởng cũng xởi lởi kể chuyện Mỹ, chuyện Tàu, nghe rối tinh rối mù, chẳng hiểu thời cuộc ra sao. Mãi gần 11 giờ, chủ khách mới dứt chuyện đi ngủ. Nghĩ “ Đêm nằm bằng năm ở”, ông nhường khách ngủ giường đệm bông lau, thể hiện cái tình người miền núi. Hôm sau bà Thống dậy rõ sớm thổi nồi cơm nếp ăn sáng. Xe sửa xong- trước lúc đi ông Thuyên Vụ trưởng  rút ví trả tiền ăn, may mà bà lão vội gạt đi không nhận: “ Ấy chết, sao bác làm vậy. Ăn uống đáng là bao, toàn cây nhà lá vườn cả. Bác vào chơi là quý hoá rồi”.
 Phút chia tay ông ấy thật lưu luyến- trước lúc lên xe ông Thuyên rối rít cảm ơn, lại còn bắt tay ông, nắm tay bà, cả thằng cu Tý nữa chứ. Lên xe rồi ông vụ trưởng còn ngoái lại “Ông bà nhớ cho đấy nhé, cứ địa chỉ ấy- về Hà Nội mà không vào chỗ tôi chơi vài ngày là tôi trách cho đấy”.

Mỗi lần nhớ lại lời mời của ông Vụ trưởng, ông Thống lại có cái cảm giác háo hức đến lạ. Ông vội đứng dậy, xốc lại áo quần và giục cu Tý đi- Xuýt nữa thì ông quên trả tiền cho bà hàng nước.

Ông Thống ra cột đèn đường gần đó. Nom ông xích lô đạp xe qua có vẻ hiền lành, ông đánh tiếng gọi. Ngã giá tiền xong xuôi, ông và cu Tý lên xe ngồi- bà hàng nước đã dặn ông như vậy.

Xe lăn bánh, anh xích lô nhướn người đạp. Phố xá người đông như kiến, xe cộ ầm ĩ- xe ba bánh mà lạng lách đến tài, chẳng hề va quệt. Cu Tý trố mắt nhìn cửa hàng, cửa hiệu đèn đỏ xanh nhấp nháy. Ngồi xe mà ông Thống cứ bồn chồn, đầu óc mông lung “Liệu bác ấy có nhà không nhỉ? Nhỡ bác ấy đi công tác vắng- người nhà biết mình là ai...”- Ông bất giác thở dài. Quả thực ở Hà Nội này, ngoài ông Thuyên ra ông chẳng quen biết người nào khác. Chỗ ngủ thì ông chẳng cần lắm, vào quán trọ nào chả ngả lưng được. Nhưng còn việc cho cu Tý đi chơi mấy nơi đó, biết nhờ cậy ai? Phố phường náo nhiệt, đường đi lối lại như bàn cờ- ông biết đâu mà lần, thật lớ ngớ như chim chích lạc rừng. Hỏi thăm người ta nhiều cũng ngại, không khéo lại mắc lừa như bỡn. Mấy bà nhà quê bảo: Hà Nội kẻ cắp thần tình, đến công an cũng chịu. Bởi thế, ông cẩn thận nhìn trước, ngó sau- ngồi hàng nước cũng khư khư ôm túi. Tiền nong, đồ đạc cũng chẳng có nhiều, nhưng xểnh ra để mất thì gay to- ở giữa đường, giữa chợ ông biết ngửa tay xin ai. Nhìn cảnh xích lô giành giật khách đã hãi rồi- nếu thuộc đường xá ông thà đi bộ còn hơn. Còn mỗi cái hy vọng là gặp được ông Thuyên, ông mới có cơ hội cho cu Tý đi chơi phố. Ông tính rồi, nếu người nhà bận, ông sẽ gửi đồ lại “Ông, cháu đi người không, có gì mà sợ”.- nghĩ thế ông lại vui  lên “ May mà còn quen bác ấy...”
Mải nghĩ, ông không để ý đoạn đường- khi xe phanh gấp, anh xích lô nhày phốc xuống lên giọng: Bố già cho xin mấy đồng”- mới hay ông đã tới nơi.

Bước lên vỉa hè sáng điện, ngó cổng sắt, trụ tường rào có biển còn ghi rõ số nhà 101- Ông bảo cu Tý “Vào nhà bác Thuyên Vụ trưởng, cháu thưa gửi cho lễ phép nghe chưa”- Cu Tý vâng dạ lý nhí rồi theo ông vào sân.

Vào ngôi biệt thự uy nghi, cửa kính, cửa chớp sáng trắng đèn Nê- ông- bước lên bậc tam cấp, ông Thống bỗng hồi hộp, run rẩy. Sau giây lát trấn tĩnh lại ông khe khẽ gõ cửa.

Của gỗ hé mở, cậu thanh niên chừng tuổi mười tám ngó đầu ra, chằm chặp nhìn ông khách lạ quần áo xềnh xòang rồi hất hàm:

-         Ông già cần gì?
-         Bác hỏi thăm đây có phải nhà ông Thuyên Vụ trưởng?
-         Rồi. Cụ khốt đang ăn cơm- ông vào đi.
-         Kéo rộng cửa, cậu quay vào dỏng tiếng “Bố, có ai gặp kìa”

Ông Thống chặc lưỡi bước vào, căn phòng khá rộng, sân lát gạch men hoa bóng láng. May vấp phải tấm thảm chùi chân không thì xuýt nữa cả ông và thằng cháu lê dép vào nhà.
Nhác trông người đàn ông hiện ra, mặc bộ đồ ngủ sọc dưa- Nhận ra ngay Vụ trưởng Thuyên, ông Thống vồn vã:
-         Chào bác, bác vẫn khoẻ chứ ạ ?
-         Vâng, cảm ơn, ông Thuyên đáp.
Nhưng giường như chưa nhận ra khách, ông  Vụ trưởng nhướn mục kỉnh và khẽ e hèm “Ông là...”
-         Tôi là ông Thống, Dương Thống ở Thuận Châu đây. Bác nhận ra chưa nào.
-         À, ờ phải rồi, tôi biết rồi.
Lại gần ông Thống, ông Vụ trưởng chìa bàn tay múp míp ra- cái bắt tay hờ hững của bề trên. Giọng ông nhạt thênh:
-         Mời ông ngồi chơi. Tôi đang giở bữa tối một chút.
Bảo vợ pha ấm nước, ông quay ngoắt sang phòng ăn.
Ông Thống hẫng người, cứ ngỡ như gặp nhầm phải người lạ. Ngồi xuống đệm ghế xa- lông, ông ôm sát cu Tý vào lòng- mà vẫn có cảm giác lạc lõng, chơi vơi...
Bà Thuyên đã luống tuổi, người khô gầy, cặp môi mỏng dính. Rót nước mời khách, bà với tăm xỉa răng, giọng ngọt xớt:
-         Ông ở quê ra chơi hẳn có việc gì?
-         Dạ không… tôi ở mãi gần Tây Bắc về, nay qua ghé thăm ông nhà.
-         À, ra thế. Nghe nói, mạn rừng lắm mật ong, măng khô- chắc là rẻ lắm ông nhỉ?
-         Dạ phải...
Ông Thống ấp úng trả lời- rồi khẽ thở sượt “Chết thật, đến chơi nhà người ta mà mình đến tay không, chẳng có món quà gì”.
Bà Thuyên vớ đĩa bánh quy trên tủ đặt xuống bàn, rồi dúi vào tay cu Tý vài chiếc, bà giục “Ăn đi cháu. Của ăn là của được” rồi quay đi dọn mâm.

Nhìn cu Tý nhai bánh ngon lành, bất giác ông cay xè sống mũi “ tội nghiệp, nó còn nhỏ dại quá, đâu biết người ta rẻ rúng mình”. Nhấp chén nước mà miệng ông đắng ngắt.

Xong bữa cơm, ông Thuyên lên ngồi tiếp chuyện. Buông mấy lời thăm hỏi chiếu lệ, ông che tay ngáp, chỉ nghe cánh quạt trần vù vù quay. Gượng trả lời cho xong, ông Thống thoái lui, bảo cu Tý chào bác ra về. Ông Vụ trưởng  lúc này mới mời rơi một câu: “... Hay là, hai ông con nghỉ ở đây cũng được”. Ông Thống chối đây đẩy: “Mai xe chạy sớm, không dám phiền hai bác”.

Hà Nội đêm hè không khí dường như oi ngột hơn. Dáng người lênh khênh, ông Thống tay dắt cu Tý qua đường, nom thất thểu như người hành khất. Bỗng ông quay sang dặn cu Tý: “Về nhà cháu nhớ bảo bà: Ông đánh mất địa chỉ, nên không gặp được bác ấy...”.


                                                               Sơn La- Hoà Bình 1992- 2012
                                                                Nhà Sáng tác Đại Lải 8/2012

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012


Khi nước mắt thành thơ
                                (Đọc: “Thơ viết cho em” của Nhan Sinh”)
                                                Thạc sĩ: Bùi Thanh Tùng
THƠ VIẾT CHO EM
Em ra đi đột ngột ánh sao băng
Trời đất đảo điên, quay cuồng bão tố
Cây chẳng còn xanh
Chim không còn tổ
Núi bỗng vô hồn
Suối cạn sông khô.
Anh thắp nén nhang
Lửa đốt thiêu lòng
Không tin đựoc mình xa nhau vĩnh viễn
Không thể tin cõi âm dương cách biệt
Em hồi sinh
Trong vạn vật thế gian.
Giấc mơ đêm thảng thốt gọi tên em
Thương thương lắm cái phút giây điịnh mệnh
Nỗi oan khiên hay là số phận
Mong manh kiếp người như lá khô rơi !
Mất em rồi
Anh mất nửa nhân gian
Lạc lõng mình anh trong vườn hoa đôi lứa
Ngôi nhà vắng bếp không đỏ lửa
Tiếng côn trùng rỉ rả chẳng nguôi quên
Mùa đông đến
Quờ tay tìm hơi ấm
Vòng tay ôm khoảng trống- bóng hình em.
                                                 Nhan Sinh
(Rút trong tập: Mùa Yêu- NXB Hội nhà văn, 2010)
Tôi với Nhan Sinh, có thể nói là biết mà không quen. Ông hơn tuổi tôi, nhưng tôi cũng không chủ động đến làm quen. Ngay cả tập thơ Mùa yêu, tôi chỉ vô tình được biết, khi được một người bạn làm Báo Văn nghệ Hoà Bình cho mượn. Nhưng phải nói thật, lâu lắm mới có một bài thơ làm tôi phải giật mình đến vậy! Có lẽ, chính sự chân thành trước nỗi đau mất mát đã đưa Nhan Sinh đến với thành công.
Em ra đi đột ngột ánh sao băng
Trời đất đảo điên quay cuồng bão tố
Cây chẳng còn xanh
Chim không còn tổ
Núi bỗng vô hồn
Suối cạn sông khô.
Ai trong đời mà chẳng một lần chứng kiến: “Ánh sao băng” hay khi “Trời đất đảo điên, quay cuồng bão tố”. Nhưng đã mấy ai hình dung ra cảnh: Khi tất cả đến cùng lúc, mà những “ánh sao băng:, “bão tố” đó lại đến từ trong lòng mình, đến với riêng mình. Nhưng nó đã đến với Nhan Sinh! Nỗi đau gợi cho ông gợi nhớ về cội nguồn hạnh phúc. Phụ nữ là người xây tổ ấm, ngọn nguồn hạnh phúc. Thế mà nay tổ ấm không còn ấm, ngọn nguồn hạnh phúc không còn. “Núi bỗng vô hồn” là hồn núi không còn; “Suối cạn sông khô” là không còn hồn suối, hồn sông. Nỗi đau đã khiến Nhan Sinh, chạm đến tận miền sâu thẳm của tâm thức người Việt nghìn xưa.
Anh thắp nén nhang
Lửa đốt thiêu lòng
Không tin đựoc mình xa nhau vĩnh viễn
Không thể tin cõi âm dương cách biệt
Em hồi sinh
Trong vạn vật thế gian.
Nhan Sinh có lẽ là người cứng cỏi; nhưng trong giờ phút này anh cũng không còn là mình nữa, nỗi đau như dẫn dắt anh đi.
Lửa khói nhang rồi sẽ tắt, nhưng lửa thương đau còn cháy đến bao giờ:
Anh thắp nén nhang
Lửa đốt thiêu lòng
Trong đời người ta, có thể không tin nhiều thứ, cho dù đó là sự thật mười mươi đi chăng nữa! Nhan Sinh đã không tin mình vĩnh viễn mất mát đi hạnh phúc; bởi tình yêu không tin và chẳng bao giờ cần tin vào điều đau đớn ấy ! Tình yêu, sự thuỷ chung tự tìm lý lẽ cho mình. Lý lẽ của người đời yêu thương, hy vọng:
Không tin đựợc mình xa nhau vĩnh viễn
Không thể tin cõi âm dương cách biệt
Em hồi sinh
Trong vạn vật thế gian.
Nhưng nỗi đau vẹn nguyên là nỗi đau, ta chỉ không đau khi ta không nhớ; nhưng Nhan Sinh thì không thể quên:
Thương thương lắm cái phút giây điịnh mệnh
Nỗi oan khiên hay là số phận
Mong manh kiếp người như lá khô rơi !
Có lẽ đây là những câu thơ hay nhất của Nhan Sinh mà tôi từng biết. Anh viết: “Thương thương lắm” là tự an ủi mình, an ủi hạnh phúc của mình thôi chứ đằng sau câu chứ là nỗi đau còn lại. Nhan Sinh còn nhớ đến “ Phút giây định mệnh” đó, thì biết bao giờ anh mới đựợc nguôi quên! Và rồi anh tự đặt câu hỏi, như là cho mình hay là cho cả hư không: “Nỗi đau oan khiên hay là số phận”. Câu hỏi thì bỏ ngỏ, nhưng còn mãi sự mong manh của kiếp ngừời, mà anh đã phải chứng kiến, trải nghiệm đớn đau: “Mong manh kiếp người như lá khô rơi !”. Hình ảnh thơ tưởng như không mới mà lại mới. Nếu Nguyễn Du viết: “Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương” (Truyện Kiều) thì kiếp người “Như lá khô rơi” của Nhan Sinh lại có điểm khác. Nguyễn Du nhấn mạnh sự đột ngột; Nhan Sinh nhấn mạnh sự lặng lẽ. Nguyễn Du thương người tài sắc; Nhan Sinh thương người đã cùng ông vất vả nhọc nhằn. Không chỉ xót xa, tiếc nuối trong chốc lát, đó còn là lòng yêu thương với tất cả một đời người.
Mất em rồi
Anh mất nửa nhân gian
Lạc lõng mình anh trong vườn hoa đôi lứa
Ngôi nhà vắng bếp không đỏ lửa
Tiếng côn trùng rỉ rả chẳng nguôi quên
Mùa đông đến
Quờ tay tìm hơi ấm
Vòng tay ôm khoảng trống- bóng hình em.
Ai đã từng sống trong cảnh ngộ của Nhan Sinh, có lẽ sẽ hiểu hơn những gì ông viết. Đó không phải là những gì ta đọc, mà là những gì ông đau đớn, Nhan Sinh như đứa trẻ đang phải tập làm quen với nỗi đau.
Ngôi nhà vắng bếp không đỏ lửa
Tiếng côn trùng rỉ rả chẳng nguôi quên
Nếu trong cuộc đời, người hạnh phúc với tình yêu bao nhiêu, thì dường như cũng đau khổ vì tình yêu như thế. Nhưng chỉ những ai sống chân thành, thuỷ chung thì mới (phải) hay (được) cái quyền đau đớn ấy. Cũng như nhiều  người trong chúng ta Nhan Sinh “phải’ đớn đau khi hạnh phúc không còn  và viết nó thành thơ !
                                                Thịnh Lang- Hoà Bình: 20/01/2011

Thơ Nhan Sinh phổ nhạc


thơ Nhan Sinh

    


        Đại Lải 8/8/2012

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

Thơ viết cho vợ

                                                     Tưởng nhớ Dương Thanh
                                                            mất đêm 13-1-2007

                                    Em ra đi đột ngột ánh sao băng
                                    Trời đất đảo điên, quay cuồng bão tố
                                    Cây chẳng còn xanh
                                    Chim không còn tổ
                                    Núi bỗng vô hồn
                                    Suối cạn
                                    Sông khô.
                                    Anh thắp nén nhang
                                    Lửa đốt thiêu lòng
                                    Không tin được mình xa nhau vĩnh viễn
                                    Không thể tin cõi âm dương cách biệt
                                    Em hồi sinh
                                    Trong vạn vật thế gian.
                                    Giấc mơ đêm
                                    Thảng thốt gọi tên em
                                    Thương thương lắm cái phút giây định mệnh
                                    Nỗi oan khiên hay là số phận
                                    Mong manh kiếp người như lá khô rơi !
                                    Mất em rồi
                                    Anh mất nửa nhân gian
                                    Lạc lõng mình anh trong vườn hoa đôi lứa
                                    Ngôi nhà vắng, bếp không đỏ lửa
                                    Tiếng côn trùng rỉ rả chẳng nguôi quên
                                    Mùa đông đến
                                    Quờ tay tìm hơi ấm
                                    Vòng tay ôm khoảng trống- bóng hình em.

                                                     Phường Tân Hoà đêm 20-10 2007
                                         

Gửi em...

                                                   


                                      Em tươi trẻ và dịu hiền quá đỗi
                                      Khiến cho anh thêm hờn tủi phận mình
                                      Không dám tặng một đoá hoa hạnh phúc
                                      Dẫu thiên thần cũng có lúc buông lơi.
                                      Đành lặng ngắm em trong dòng đời tấp nập
                                      Dõi theo em khuất hút nẻo xe hoa
                                      Nhưng vẫn ước một ngày kia em tới
                                      Anh khẽ hôn giọt nước mắt ngọc ngà.

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012


      Mối tình sét đánh của ca nương Bạch Vân

      Ngày ấy... cách đây khoảng 30 năm rồi, năm 1982, Lê Thị Bạch Vân mới tốt nghiệp Đại học Văn hoá Hà Nội. Trong khi chờ xin việc làm ở Thủ đô, để kiếm sống trong thời buổi khó khăn- lạm phát của đất nước tăng như phi mã, cô sinh viên trẻ tranh thủ đi buôn đường dài tít tận Sơn La xa xôi. Nàng mang vải satanh đen lên huyện biên giới Sông Mã để bán, đổi hàng cho bà con dân tộc.
      Từ mờ sáng, hoạ sỹ  Lê Quân (chồng nữ sỹ Đoàn Thị Lam Luyến) anh trai Bạch Vân đèo xe đạp chở Bạch Vân từ ngõ nhỏ Ô Chợ Dừa ra bến xe khách Kim Mã, mua vé cho Vân đi Tây Bắc. Run rủi thế nào, hay tạo hoá sắp đặt mà Vân ngồi ở ghế ngay cửa xe cùng anh chàng nhà báo trẻ tuổi, đẹp giai. Trước khi xe lăn bánh, anh Quân còn nới với theo: Cậu cho tớ gửi cô em đi Sơn La an toàn nhé.
     Bạch Vân và anh chàng nhà báo họ Giang làm quen nhau thật tự nhiên. Chàng khi đó 22 tuổi, tốt nghiệp khoa Văn, Đaị học Tổng hợp Hà Nội, lên Sơn La làm phóng viên thường trú cho một tờ báo lớn của Trung ương. Bởi thế, chuyện dọc đường của họ toàn nói về văn chương, thơ phú. Bạch Vân với chất giọng trầm bổng xứ Nghệ đọc bài thơ Sông Thao của Nguyễn Duy rất truyền cảm:
                                 Sông Thao thêm một lần tôi đến
                                 Thêm một lần tôi đến để rồi đi
                                 Gió cứ thổi trống không ngoài bẵi vắng
                                 Em nhìn tôi để không nói năng gì.
                                 Em ra đi bước chân gìn giữ lắm
                                 Mưa dùng dằng ngọn cỏ ven đê
                                 Thương mến ạ xin đừng buồn em nhé
                                 Dòng nước trôi đi, giọt nước lại rơi về.
Điều ấy, khiến anh chàng nhà báo nọ xúc động, vì anh cũng yêu thích bài thơ này. Và tiếng sét ái tình hình như đã xảy ra ngay sau đó, bàn tay họ bỗng dưng truyền hơi ấm cho nhau từ khi nào chẳng hay. Xe chạy trên quốc lộ 6 xóc nảy bao lần, vô tình khuỷu tay của chàng cứ chạm vào khuôn ngực Mị nương căng phồng của nàng, khiến cả hai rạo rực muốn khám phá thân thể nhau.
    Xe chạy đến thị trấn Mộc Châu khoảng 4 giờ chiều, nhưng hành khách phải ngủ lại đêm, sáng hôm sau xe mới chạy tiếp. Tối hôm đó, trong gian nhà trọ hôi hám ở bến xe, chàng và nàng ôm nhau ngủ ngon lành, thánh thiện, cái rét xứ thảo nguyên cũng dường như tan biến. Trưa hôm sau, họ đến thị xã Sơn La. Chàng nhà báo về văn phòng thường trú, gửi Bạch Vân nghỉ nhờ nhà chị Hà, kỹ sư người Thái, công tác ở Hội Nông dân tỉnh. Buổi tối, cơm nước ở nhà chị  Hà xong, đôi uyên ương đứng ôm nhau tâm sự ngay sau nhà, nhưng chàng không thể tiến xa hơn.
       Phải đến sáng hôm sau, chị Hà đi làm, họ mới có cơ hội làm tình trên chiếc giường đệm bông lau. Đó là cái giây phút tuyệt vời và cũng đớn đau nhất đối với chàng Đông Zoăng. Lần đầu tiên chàng được khám phá thân thể phụ nữ, dục vọng kìm nén bấy lâu được giải toả, chàng thượng phong đi vào chốn bồng lai, nhưng chàng kêu ré lên vì đau, máu chảy xuống đệm...Té ra, chàng đứt “ dây bảo hiểm” để trở thành gã đàn ông đích thực. Nàng là người đàn bà đầu tiên đã “ phá trinh” của chàng.
    Khi màn đêm buông xuống, vì không có khách sạn, nhà nghỉ như bây giờ- chàng và nàng dẫn nhau lên đồi cây cạnh nghĩa trang liệt sỹ nhà tù Sơn La để tiếp tục cuộc mây mưa. Ngày kế tiếp, chàng chia tay Bạch Vân để nàng đi vào huyện Sông Mã rải hàng. Mãi gần một tháng sau đó, từ Sông Mã ra, họ lại dắt nhau lên đồi âu yếm nhau. Với mẫn cảm của người con gái đang yêu, nàng trách chàng nhà báo họ Giang: “ Nụ hôn của anh hình như không còn thắm nồng như buổi đầu tiên”. Nàng về Hà Nội, vài tháng sau đó trở lại Sơn La buôn bán, có ghé thăm chàng và thông báo “ có thai”. Chàng Sở Khanh đón nhận tin “sốc” với thái độ bàng quang, không tin đó là sự thật, bảo nàng tự giải quyết. Bởi trong sâu thẳm tâm khảm, dù gã yêu nàng, nhưng lại không tin những người phụ nữ dễ dãi để can đảm ấy làm vợ.
   Chàng nhà báo họ Giang có kể lại: Sau cú đoạn tình ấy, chắc nàng hận lắm, vài năm sau chàng đến thăm nàng ở ngõ nhỏ, phố nhỏ Hà Nội nhưng lòng Bạch Vân đã băng giá, tìm đến với ca trù- làm Chủ niệm Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội
     Hồng Nhan

                                
                                 

CHIỀU SÂN GÔN



                                  Nhan Sinh




                           CHIỀU SÂN GÔN



                         Ai về thăm lại Lâm Sơn
                  Rừng thưa cây lá, núi sờn áo xanh
                          Làng xưa giờ hoá thị thành
                  Ngột gian nhà ống đua ganh mặt tiền
                         Đâu con suối chảy hồn nhiên
                  Đâu hương ổi chín, tiếng chim gọi bầy?
                         Bờ xôi ruộng mật nơi đây
                 Giờ xanh đồi cỏ lấp đầy sân gôn
                         Người làm thuê, kẻ đi buôn
                  Xót xa tiếc nuối mảnh vườn luống rau
                         Kiếp nghèo ai thấu nỗi đau
                  Đất quê nhường kẻ sang giàu vui chơi
                         Trái gôn lăn - quặn lòng tôi
                   Hoàng hôn rơi tím núi đồi Lương Sơn.
                                          
                                           
                 

                        
                 
                        
                  
                       

                         
                  

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

THU CUỐI MÙA


                                           THU CUỐI MÙA

                               Cuối thu rồi
                               Trời sắp sửa vào đông
                               Ta lạc bước trên cánh đồng trái vụ
                               Hoa nở muộn
                               Đằm ái tình goá phụ
                               Đêm tan sương vạt cỏ ướt đầm.
                               Thu cuối mùa
                               Ta cuối tuổi yêu đuơng
                               Cây thay lá dọc con đường hoe nắng
                               Cùng đơn côi những mùa đông trống vắng
                               Ta dại khờ
                               Tìm một nửa trong nhau.